Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư quy định về quản lý và sử dụng Phụ gia thực phẩm. Thông tư nêu rõ danh mục thực phẩm được sử dụng phụ gia. Thông tư này chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 16/10/2019.
Theo Thông tư này, nguyên tắc chung trong sử dụng phụ gia thực phẩm phải đảm bảo: phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm; không vượt quá mức sử dụng tối đa đối với một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm; hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia thực phẩm cần thiết để đạt được hiệu quả kỹ thuật mong muốn.
Trọng tâm của Thông tư cũng nêu: Chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm nếu việc sử dụng này đạt được hiệu quả mong muốn nhưng không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, không lừa dối người tiêu dùng và chỉ để đáp ứng một hoặc nhiều chức năng của phụ gia thực phẩm khi không thể đạt được bằng các cách khác có hiệu quả hơn về kinh tế, công nghệ.
Các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm bày bán công khai tại phố Hàng Buồm, Hà Nội. Ảnh: SGGP |
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, tại nhiều chợ đầu mối hay tại các cửa hàng đô khô bày bán rất nhiều phụ gia, trong đó có nhiều sản phẩm được đóng gói thủ công, không nhãn mác, không hướng dẫn sử dụng.
Tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội), hàng chục sản phẩm phụ gia thực phẩm được bày bán, từ những loại phụ gia phổ biến nhất như mỳ chính, đường hóa học, chất làm nhừ, gia vị lẩu, cho đến những phụ gia độc hại như bột diêm tiêu (hay còn gọi là bột săm pết)...Trên thực tế, từ trước đến nay đã có rất nhiều cảnh báo từ việc sử dụng bột diêm tiêu để làm tươi thịt, cung cấp ra thị trường.
Theo một số người bán hàng cho biết, bột diêm tiêu có 2 loại là bột diêm trắng và bột diêm vàng. Trong đó bột diêm trắng với gia 100.000 đồng/kg thì có thể sử dụng làm tươi thịt, giữ màu hồng, đỏ cho thịt.
Chất phụ gia này thường được dùng trong làm xúc xích, lạp xưởng, giăm bông… để bảo sản phẩm lâu hơn. Còn bột diêm vàng với giá 60.000 đồng/kg dùng để làm trắng sản phẩm, dùng sấy sản phẩm để đỡ mốc…
Bên cạnh bột diêm tiêu, rất nhiều chất phụ gia, phẩm màu công nghiệp cũng được bày bán công khai. Điều đáng nói, trong rất nhiều các chất phụ gia này đều thuộc dạng “3 không”: không nguồn gốc, không nhãn mác, không hạn sử dụng.
Thậm chí, có một số loại gia vị hạn sử dụng đã hết nhưng vẫn được bán cho người tiêu dùng. Một chủ bán hàng ở chợ Đồng Xuân cho biết, để giò, chả giòn và săn thì chắc chắn phải cho hàn the, dưa chua muối vàng cũng vậy, nếu không cho phụ gia thì thực phẩm sẽ không bắt mắt và không thu hút người tiêu dùng.
Nhiều chất phụ gia bán cho các chủ cơ sở chuyên làm bánh trung thu, thạch, nước cam; phẩm màu để quay thịt heo, vịt, làm thịt bò khô… được đóng trong can, chai lọ, bịch ni lông mà không hề có bất cứ nhãn mác in ấn rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ nào, ngoại trừ những dòng chữ viết tay nguệch ngoạc.
Chỉ cần bỏ ra 20.000 - 25.000 đồng là có thể mua được một gói phụ gia để làm ra hàng trăm lít rượu, nước cam, tương ớt...
Được biết, Việt Nam hiện đang cho phép sử dụng 23 nhóm phụ gia thực phẩm, bao gồm 337 chất (bao gồm cả hương liệu). Tuy nhiên, chỉ 5%-10% sản lượng được sản xuất tại Việt Nam, còn lại là nhập khẩu, trong đó có 30% phụ gia thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Nói về việc sử dụng tràn lan hóa chất, phụ gia trong việc chế biến thực phẩm, theo thông tin trên tờ Sài Gòn Giải Phóng, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, hiện nay có nhiều hóa chất, phụ gia với độc tính khác nhau đối với cơ thể, mỗi chất có một biểu hiện khác nhau.
Song thực tế đã có nhiều bệnh nhân bị ngộ độc cấp tính do sử dụng thực phẩm chứa phụ gia độc hại. Còn theo Viện Kiểm nghiệm thực phẩm quốc gia, qua giám sát các vụ ngộ độc thực phẩm thì có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ngộ độc, trong đó nguyên nhân do vi sinh vật chiếm hơn 33%, nguyên nhân do độc tố 25,2%, hóa chất 10,4% và 31% không rõ nguyên nhân.
Tuy nhiên đáng lo ngại là việc sử dụng phụ gia không đúng quy định gây nguy hại cho sức khỏe ở nước ta còn phổ biến, rất khó kiểm soát.