/ /

Hỗ trợ trực tuyến

Hotline: 0985 223 789

  Mr. Điệp: 0985223789 ( )

  Mr. Trung: 0935161826 ( )

  Mr. Lợi: 0932 135 229 ( )

  Mr. Trí: 0906 983228 ( )

  Ms.Nhi: 0902683228 ( )

  Mr.Quang Sướng: 0909583229 ( )

fbb yt zl gg

Quy trình Kỹ thuật nuôi cá chim trắng vây vàng trong lồng bè trên biển.

Quy trình Kỹ thuật nuôi cá chim trắng vây vàng trong lồng bè trên biển

Sản xuất giống và phát triển nuôi thương phẩm cá chim vây vàng tại Việt Nam

Cá chim vây vàng Trachinotus blochii (Lácepède, 1801) là loài cá nổi, ưa hoạt động, sống chủ yếu ở tầng giữa và tầng mặt, dễ nuôi, có thể phát triển với quy mô công nghiệp – nuôi bằng lồng hoặc trong ao đất ở các thủy vực nước lợ và nước mặn. Là đối tượng có tốc độ tăng trưởng nhanh (sau 10-12 tháng sẽ đạt cỡ thương phẩm 800 – 1.000 g), đem lại giá trị kinh tế, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện nguồn giống sản xuất trong nước chiếm từ 50-60%, còn lại phải nhập từ Đài Loan, Trung Quốc.

 

Việt Nam – Chủ động trong khâu sản xuất giống

Thời gian qua, cá chim vây vàng giống (cỡ 3-3,5 cm) có giá nhập khẩu rất cao (từ 4.000-5.000 đồng/con). Việc vận chuyển cá giống với quãng đường xa, thời gian vận chuyển kéo dài đã khiến cá suy yếu, tỷ lệ sống thấp. Chính vì vậy, từ giữa những năm 2000, một số đơn vị như trường Đại học Nha Trang, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 và trường Cao đẳng Thủy sản Bắc Ninh đã thực hiện các công trình nghiên cứu để chủ động sản xuất giống cá chim vây vàng trong nước, giúp hạ giá thành sản xuất. Hiện giá cá giống mà trường Đại học Nha Trang đang áp dụng thấp hơn giá cá nhập khẩu (bằng khoảng 2/3 giá nhập khẩu). Hơn nữa, cá giống được sản xuất ở trong nước khi tiến hành nuôi thương phẩm, thường thích nghi tốt hơn, khỏe mạnh hơn. Nhờ đó, đạt tỷ lệ sống cao hơn so với cá nhập ngoại.

 Tuy việc sản xuất giống và nuôi thương phẩm tại Việt Nam muộn hơn các nước nhưng đối tượng này đang được phát triển rất nhanh tại Việt Nam, thể hiện qua số lồng và diện tích ao nuôi thương phẩm tăng lên nhanh chóng (đặc biệt là khu vực Nam Trung bộ, nơi có điều kiện sinh thái và tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi cá biển). Với gần 10 năm nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm, các đơn vị nghiên cứu của Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhằm đẩy mạnh sản lượng cá giống cung cấp cho thị thường. Hiện tại, trường Đại học Nha Trang đã chuyển giao công nghệ sản xuất nhân tạo giống cá chim vây vàng cho nhiều cơ sở sản xuất giống cá biển ở khu vực Nam Trung Bộ và một số cơ sở khác trên cả nước. Bên cạnh đó, trường cũng đang triển khai nghiên cứu, hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm với nhiều hình thức, trong đó có hình thức nuôi với quy mô công nghiệp (hiện đang trở thành thương hiệu của khu vực Nam Trung Bộ).

Năm 2009, trường Đại học Nha Trang đã nghiên cứu thành công kỹ thuật sản xuất giống cá chim vây vàng và nhanh chóng phát triển, mở rộng sản xuất đối tượng này. Kết quả là: Năm 2010, sản lượng đạt khoảng 300 nghìn con (cỡ 3-5 cm), ba năm tiếp theo, mỗi năm sản xuất gần 1 triệu con. Dự kiến trong năm 2014 sẽ sản xuất được 1,2 triệu con cá giống cung cấp cho các cơ sở nuôi thương phẩm đã đặt hàng. Bên cạnh việc tự sản xuất giống, cung cấp cho thị trường, trường Đại học Nha Trang còn cung cấp trứng cá chim vây vàng và tư vấn kỹ thuật cho một số cơ sở ở trong và ngoài tỉnh Khánh Hòa, giúp các cơ sở này sản xuất được 300 nghìn con cá giống (năm 2012), 1 triệu con (năm 2013) và dự kiến đạt 1,5 triệu con (năm 2014). Với nhu cầu giống cá chim vây vàng nuôi thương phẩm của cả nước (đặc biệt là khu vực Nam Trung Bộ) ngày càng tăng, nhiều cơ sở sản xuất giống đã tích cực tiếp nhận công nghệ sản xuất giống cá này.

 

Phát triển nuôi thương phẩm cá chim vây vàng

Trên thế giới, nghề nuôi cá biển luôn đem lại những kết quả to lớn. Thành công của nhiều nước trong lĩnh vực này đã thúc đẩy những nước có biển tích cực nuôi thương phẩm các loài cá có giá trị kinh tế cao (trong đó có cá chim vây vàng). Là một nước có tiềm năng phát triển nghề nuôi biển (với đường bờ biển dài hơn 3.200 km trải dài từ Bắc vào Nam, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trên 400 nghìn ha mặt nước ven biển, có nhiều eo vịnh, đầm phá… có khả năng sử dụng để nuôi trồng thủy sản); Trước đây, Việt Nam chủ yếu nuôi cá chim vây vàng bằng lồng. Những năm gần đây, Việt Nam còn nuôi cá trong ao đất (được tận dụng từ các ao nuôi tôm bỏ hoang do dịch bệnh).

 Năm 2012, trường Đại học Nha Trang đã thành công trong việc nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chim vây vàng bằng thức ăn tổng hợp. Vì vậy, năm 2014, trường đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm loài cá này tại hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Bình.

Về sản lượng cá nuôi thương phẩm tại Việt Nam: Năm 2010, tại Khánh Hòa, hình thức nuôi lồng chỉ đem lại vài tấn cá, được tiêu thụ trong nước. Năm 2011, tại Khánh Hòa và Bà Rịa – Vũng Tàu, cũng với hình thức nuôi lồng, thu hoạch hơn 100 tấn, tiêu thụ trong nước. Nhưng bắt đầu từ năm 2012, địa bàn nuôi cá chim vây vàng được mở rộng đến các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau… với 02 hình thức nuôi lồng và nuôi trong ao đất, đem lại từ 200-300 tấn cá, tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu sang một số thị trường (như: Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc). Năm 2014, sản lượng dự kiến đạt trên 400 tấn.

 Có thể trong tương lai, cá chim vây vàng sẽ trở thành đối tượng nuôi chính tại một số địa phương có tiềm năng phát triển nuôi biển. Hiện nay, tại Việt Nam, rất nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài đã đầu tư nuôi cá biển với quy mô công nghiệp – nuôi bằng lồng của Na Uy, thể tích lớn, công nghệ hiện đại. Tại Bình Định, Dự án Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã đầu tư 02 lồng. Tại Phú Yên, một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã đầu tư 25 lồng Na Uy để nuôi cá giò (cá bớp). Tại Khánh Hòa, một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã đầu tư 140 lồng Na Uy để nuôi cá giò và cá chim vây vàng.

 Ở miền Bắc, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 được sự tài trợ của Dự án NORAD cũng đã nuôi 06 lồng cá chim vây vàng. Ngoài ra, có rất nhiều doanh nghiệp và ngư dân vẫn duy trì hình thức nuôi cá biển bằng lồng nuôi truyền thống (với số lượng lên đến hàng nghìn lồng). Nhìn chung, nghề nuôi biển tại Việt Nam phát triển khá mạnh, đối tượng nuôi công nghiệp chủ yếu là cá giò, cá chẽm và hiện có thêm cá chim vây vàng, đã và sẽ trở thành đối tượng nuôi chủ lực, cung cấp cho thị trường trong nước và thế giới.

 

Những lưu ý trong nuôi thương phẩm cá chim trắng vây vàng

Cá chim trắng vây vàng là loài cá biển có chất lượng thịt ngon, giá trị kinh tế cao nên những năm gần đây cá chim trắng vây vàng được nhiều nông dân khắp cả nước chọn nuôi. Tuy nhiên, cá chim trắng vây vàng là đối tượng nuôi mới, nông dân chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ thuật nuôi khiến cho năng suất thấp, rủi ro trong quá trình nuôi cao. Do đó, việc tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi cá chim trắng vây vàng sẽ giúp nông dân nuôi cá đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

1.Chọn địa điểm nuôi cá chim trắng vây vàng

Cần chọn nơi có địa hình thuận tiện, biên độ dao động của thuỷ triều từ 2 – 3 m. Chất đất: sét, sét pha cát (giữ được nước ao). Có nguồn nước và chất lượng nước cung cấp cho ao tốt quanh năm. Yêu cầu chỉ số kỹ thuật một số yếu tố môi trường phù hợp nhất trong ao nuôi: Nhiệt độ 26-32 (oC), Độ mặn 10 – 20‰, Oxy hoà tan 5-7 mg/l, NH3 < 0,9 mg/l, pH nước 7,5 – 8,5.

2.Thiết kế ao nuôi cá chim trắng vây vàng

Ao nuôi có dạng hình chữ nhật, diện tích phù hợp 2.000 – 5.000 m2. Độ sâu của ao từ 1,2 – 1,5 m. Ao có hệ thống cấp và thoát nước riêng biệt. Đáy ao bằng phẳng hơi nghiêng về phía cống.

3.Cải tạo ao nuôi cá chim trắng vây vàng

Trước vụ nuôi tiến hành tháo cạn nước ao, nạo vét bớt lớp bùn đen ở đáy ao, phơi đáy ao từ 3-5 ngày, tu sửa lại bờ cống ao chống rò rỉ trong quá trình nuôi. Bón vôi bột với lượng 1.000 kg/ha (ao chua phèn có thể dùng đến 3.000kg/ha). Phơi đáy ao từ 1 – 2 tuần. Cấp nước vào ao phải được lọc qua lưới lọc có cỡ mắt lưới 40 mắt/cm2 để ngăn sinh vật tạp vào ao.

4.Hướng dẫn cách chọn và thả giống cá chim trắng vây vàng

Kiểm tra các yếu tố môi trường trước khi thả cá vào ao nuôi như pH đạt từ 7.5-8.5, độ mặn ổn định và dao động từ 20-28‰. Mùa vụ thả vào tháng 3 – 4 hàng năm. Chọn giống: Kích cỡ đồng đều 8 – 10 cm, khoẻ mạnh, không dị hình dị tật, không có dấu hiệu bệnh lý, bơi lội nhanh nhẹn. Mật độ thả: 1 – 2 con/m2 Cần kiểm tra bệnh VNN (bệnh hoại tử thần kinh) trước khi thả giống. Tắm cho cá bằng nước ngọt hoặc fomaline với nồng độ 20 ppm từ 10 – 15 phút, trong quá trình tắm phải cung cấp sục khí cho cá để không bị thiếu Ôxy. Thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát

5.Thức ăn cho cá chim trắng vây vàng

Thức ăn công nghiệp dạng viên nổi có hàm lượng đạm 45% và lipid 15%. Thức ăn được bảo quản nơi khô ráo và không bị ẩm mốc. Tuỳ theo cỡ cá để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp nhất theo bảng sau:

6.Kỹ thuật chăm sóc và quản lý cá chim trắng vây vàng

Giai đoạn mới thả cá cho thức ăn vào khung nhựa hoặc tre để giữ thức ăn cho cá. Cho ăn ngày 2 lần vào buổi sáng (8h) và buổi chiều mát (17 – 18h). Những ngày trời lạnh (nhiệt độ nước dưới 17oC) hoặc trời nóng (nhiệt độ nước trên 36oC) không cho cá ăn. Khi cho cá ăn cần quan sát kỹ khả năng ăn của cá để cho ăn phù hợp. Theo dõi chất lượng nước thuỷ triều và chất lượng nước trong ao để tiến hành thay nước. Hàng tháng thay 20 – 30 % lượng nước ao nuôi. (Lưu ý trong khi thay nước ao nuôi cần phải kiểm tra nguồn nước có đảm bảo được mức độ sạch và nồng độ muối tránh làm cho cá bị sốc, nồng độ muối dao động trong khoảng từ 20-28‰ là thích hợp nhất) Từ tháng thứ 2 cần cung cấp thêm quạt nước để tăng Oxy cho cá. Với công suất quạt nước 1,7 kW cần lắp một bộ dàn (4 cánh/1.000 m2). Thời gian chạy quạt từ 24h – 5h hàng ngày. Hàng tháng bón vi sinh cho ao 1 lần để hạn chế sự ô nhiễm môi trường ao nuôi. Hàng tháng cần kiểm tra tốc độ sinh trưởng và bệnh cho cá để có biện pháp xử lý kịp thời và điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Cần lập sổ theo dõi về tốc độ sinh trưởng, chế độ cho ăn, quá trình xử lý về môi trường và bệnh tật của cá.

7.Phòng và trị bệnh thường gặp ở cá chim trắng vây vàng

Cá thường mắc bệnh trùng bánh xe và trùng quả dưa khi nhiệt độ nước từ 23 – 26oC. Ở miền bắc từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau cá thường mắc bệnh. Khi cá bị bệnh thường bỏ ăn, bơi tách đàn không định hướng. Thân cá bị lở loét sau từ 2 – 3 ngày mắc bệnh. Phòng bệnh: luôn giữ nước ao sạch, tắm phòng cho cá 20 ppm (20 ml/m) formaline hàng tháng.

8.Thu hoạch cá chim trắng vây vàng

Sau 10 – 12 tháng nuôi có thể thu hoạch cá với cỡ thương phẩm từ 650-700 g/con. Cá chim vây vàng là loài dễ thu hoạch. Trước khi thu hoạch 1 ngày không cho cá ăn. Có thể dùng lưới kéo được trên 95% tổng số cá trong ao. Sau đó tháo cạn ao và thu nốt số còn lại. Lưu ý, đây là loài vận động mạnh ngưỡng Oxy cao do đó không nên thu hoạch cá khi mặt trời chưa lên (trước 8 h) hoặc trời âm u. Có thể vận chuyển cá chim vây vàng sống đến nơi bán bằng các thùng nhựa thể tích nước 1 – 1,5 m3 với mật độ cá vận chuyển 50 kg/m3 có thể vận chuyển trong thời gian từ 7 – 8 giờ./.

 

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá chim trắng vây vàng

Cá chim trắng vây vàng là đối tượng thủy sản nuôi mới có giá trị kinh tế cao. Hiện nay cá chim trắng vây vàng được nuôi khá phổ biến ở một số địa phương và nhiều mô hình nuôi thử nghiệm đối tượng này ở một số địa phương khác cũng cho thấy có hiệu quả kinh tế cao. Do đó, việc sản xuất nhân tạo giống cá chim trắng vây vàng là yêu cầu cấp thiết để phát triển nghề nuôi đối tượng thủy sản nhiều tiềm năng này.

1.Đặc điểm sinh trưởng và sinh sản

Cá chim vây vàng có kích thước tương đối lớn, chiều dài có thể đạt 45-60cm. Cá sinh trưởng nhanh, trong điều kiện nuôi bình thường một năm có thể đạt quy cách cá thương phẩm cỡ 0,5-0,7 kg. Từ năm thứ hai trở đi mỗi năm trọng lượng tuyệt đối tăng là 1 kg. Mùa sinh sản của cá chim vây vàng từ tháng 4-5 và duy trì cho đến tháng 8. Sức sinh sản của cá thể 40-60 vạn trứng. Trong thiên nhiên cá hương 1,2-2 cm bắt đầu bơi vào vùng biển cạn, cá lớn 13-15cm bắt đầu di cư từ vùng biển cạn ra vùng biển sâu. Hiện nay, ngoài tự nhiên cá thành thục ở 7-8 tuổi nếu muốn cho cá thành thục sớm cần phải tiêm kích dục tố, nuôi vỗ cá bố mẹ một cách khoa học. Trong thực tiễn sản xuất chứng minh cá chim vây vàng 4 tuổi tuyến sinh dục đạt độ thành thục, qua đó kích thích cá có thể phóng trứng thụ tinh và ấp nở thành cá bột bình thường. Kiểm tra mức độ thành thục của cá thường được tiến hành trước 1 tuần trước khi cá đẻ nhằm quyết định thời điểm cá đẻ thích hợp. Chỉ có cá bố mẹ có tuyến sinh dục thành thục ở mức độ nhất định mới có thể đưa vào cho sinh sản nhân tạo. Tiêu chuẩn chọn cá cái cho sinh sản, kiểm tra trứng bằng que thăm trứng, trứng có đường kính từ 0,4-0,5 mm, các hạt noãn hoàn phân bố đều, không còn khoảng cách giữa noãn hoàn và nang trứng. Đối với cá đực, vuốt nhẹ phần bụng thấy có sẹ chảy ra và tan nhanh trong môi trường nước. Trong quá trình nuôi vỗ thường xuyên kiểm tra mức độ thành thục của cá để có biện pháp cho đẻ kịp thời.

2.Nuôi vỗ cá bố mẹ

Cá bố mẹ được lựa chọn từ đàn cá trưởng thành nuôi tại ao nuôi thương phẩm. Chọn cá khoẻ mạnh, không bị tổn thương, xây xát; cá cái, cá đực tuổi từ 2 tuổi trở lên; trọng lượng từ 2-3kg/con. Tỷ lệ cá đực/cá cái là 1/1 để đưa vào nuôi vỗ. Ao đất nuôi vỗ cá bố mẹ có diện tích khoảng 1.000 m2, độ sâu mức nước 1,5 m, chất đáy là cát thịt, độ dày lớp bùn đáy 10-15 cm. 2 tuần nuôi cuối trước khi cho cá sinh sản, cá bố mẹ được nuôi trong bể xi măng có thể tích 80-100m3, độ sâu 1,5-1,8m. Môi trường nuôi vỗ: Môi trường nuôi vỗ cá bố mẹ có nhiệt độ trung bình 24-280C, pH 7,5-8,5; Oxy trên 4 mg/l, độ mặn 26-30‰. Mật độ nuôi vỗ cá bố mẹ trong ao từ 10-15 kg/100m2. Bể xi măng: 1-2 kg/m3.

3.Kỹ thuật chăm sóc, quản lý ao nuôi cá chim trắng vây vàng 

Nuôi vỗ chính vụ cá chim vây vàng từ tháng 2 đến tháng 4. Thức ăn nuôi vỗ cá bố mẹ gồm có cá tạp tươi hoặc thức ăn công nghiệp dùng cho cá biển có hàm lượng protein (chất đạm) 35-40%, lipit (chất béo) 10-12%. Khẩu phần ăn từ 3-4% khối lượng cá nuôi; cho cá ăn ngày một lần, vào lúc 8 giờ.

4.Kiểm tra mức độ thành thục sinh dục của cá

Đối với cá cái, dùng ống nhựa mềm có d = 1mm, đưa ống nhựa qua lỗ sinh dục vào tới buồng trứng, lấy một số tế bào trứng ra quan sát và đánh giá: nếu quan sát thấy chưa rõ hạt trứng thì buồng trứng mới ở giai đoạn II; các hạt trứng không đều cỡ, không tròn, còn dính lại nhau thì buồng trứng ở giai đoạn III; các hạt trứng có màu xanh vàng, tròn, rời thì buồng trứng ở giai đoạn IV, cá đã thành thục, tiến hành cho đẻ. Đối với cá đực, kiểm tra sẹ, thấy cá có sẹ trắng sữa, tan nhanh trong nước, cá đã thành thục chọn cho đẻ.

5.Cho cá đẻ

Bể cho cá đẻ là bể xi măng hay composit, có thể tích chứa nước 70-100 m3, độ sâu 1,3-1,5m, có đường cấp nước, thoát nước thuận tiện, bể có mái che và hệ thống sục khí. Điều kiện môi trường sinh thái thích hợp nhất cho cá đẻ trứng: nhiệt độ nước từ 28-300C, độ mặn từ 30-32‰, oxy hoà tan ≥ 4mg/lít, pH từ 7,8-8,5.

Chọn cá cái: sử dụng ống nhựa mềm có đường kính 1mm đưa qua lỗ sinh dục, vào tới buồng trứng, hút trứng ra để kiểm tra. Nếu thấy trứng có màu trắng ngà, các hạt trứng tròn, đều, rời nhau là cá thành thục tốt, chọn cá cho đẻ. Nếu các hạt trứng dính lại, không đều, không rời nhau là trứng còn non. Nếu các hạt trứng rời nhau, nhão, mầu trắng đục là trứng thoái hóa. Chọn cá đực: cũng dùng ống nhựa mềm có đường kính 1mm đưa vào lỗ liệu sinh dục hút sẹ để kiểm tra, nếu thấy sẹ đặc, màu trắng sữa, tan nhanh trong nước là sẹ tốt chọn cá cho đẻ.

 Sử dụng chất LRH-A2 kết hợp với HCG liều lượng 8-10mg + 300-500 UI HCG/1kg cá cái; Cá đực liều lượng bằng 1/2 so với cá cái. Liều lượng chất kích thích sinh sản cho cá có thể nhiều hoặc ít hơn phụ thuộc vào mức độ thành thục của tuyến sinh dục tại thời điểm cho cá đẻ. Tiêm chất kích thích sinh sản từ 1-2 lần trong một đợt cho cá đẻ tuỳ thuộc mức độ thành thục của cá tốt hay chưa thật tốt. Nếu tiêm 2 lần, lần 1 chỉ tiêm LRH-A2 với liều lượng 1/4-1/3 tổng lượng thuốc cần dùng, nơi tiêm là phần mềm gốc vây ngực của cá (vây P).

Sau khi cá đẻ khoảng 2-3 giờ tiến hành thu toàn bộ trứng có trong bể. Khi thu trứng trong bể đẻ, dùng vợt có kích thước mắt lưới là 60 mắt/cm2, vợt loại nhỏ: 80cm x 35cm x 120cm, vợt loại lớn 5m x 1,2m x 4m để thu trứng. Trứng cá thu được chuyển vào thùng nhựa có thể tích là 100 lít để tách trứng thụ tinh; môi trường tách trứng thụ tinh có độ mặn 30-32‰. Trứng cá chim vây vàng thụ tinh thường nổi trên mặt nước, trứng không thụ tinh hoặc hỏng thường chìm xuống đáy. Dùng tay khuấy tròn dòng nước trong thùng rồi để yên khoảng 5-7 phút cho trứng thụ tinh nổi trên bề mặt, các trứng không thụ tinh, trứng hỏng và các chất bẩn lắng chìm xuống đáy thùng. Dùng vợt có kích thước mắt lưới 60 mắt/cm2 để vớt trứng thụ tinh chuyển vào bể ấp, tiến hành 2-3 lần đến khi thu hết trứng thụ tinh.

6.Ấp trứng cá chim trắng vây vàng và ương nuôi ấu trùng 

Dụng cụ ấp trứng là bể composite có thể tích1m3, có sục khí. Môi trường ấp trứng là nước biển sạch, các yếu tố môi trường đảm bảo trong quá trình ấp trứng: độ mặn 30-32‰, nhiệt độ 26-300C, pH: 7,8-8,5, ôxy hoà tan ≥ 5mg/lít. Trứng thụ tinh được chuyển vào bể ấp trứng, mật độ ấp trứng từ 400-500 trứng/lít. Bể ấp đặt ở nơi thoáng mát tránh ánh sáng mặt trời chiều trực tiếp vào môi trường ấp trứng. Duy trì sục khí liên tục. Hút bỏ trứng chìm ở đáy bể đảm bảo môi trường sạch. Thời gian ương nuôi ấu trùng từ 60-72 giờ, cũng là thời điểm cá phát triển thành cá bột.

7.Ương nuôi cá bột lên cá hương 2-3cm

Bể ương: bể xi măng hình chữ nhật hoặc bể composite hình tròn, có chiều cao 1-1,2m, dung tích bể 10-20m3. Bể có hệ thống sục khí, hệ thống cấp thoát nước thuận tiện. Trước khi đưa ấu trùng vào bể ương nuôi phải vệ sinh, sát trùng bể sạch. Điều kiện môi trường: độ mặn 28-30‰; nhiệt độ 26-300C; pH 7,8-8,5; Oxy hoà tan ≥ 4mg/lít.

Ấu trùng cá chim vây vàng thả vào nuôi phải có chất lượng tốt, cá khoẻ mạnh, tỷ lệ dị hình dưới  0,05%. Mật độ ương từ 2.000-3.000 con/m3. Mức nước ban đầu ở bể ương 0,5 m. Ngày nuôi thứ 2 đến ngày thứ 6, hàng ngày cấp thêm 10 cm nước vào bể ương. Mức nước trong bể ở ngày nuôi thứ 6 đạt 1m. Ngày thứ 7, thay 40% lượng nước trong bể, sau đó cấp thêm 10cm nước, nâng mức nước trong bể lên 0,7m. Ngày thứ 9 cấp thêm nước, nâng mức nước trong bể lên 0,8m.

Ngày thứ 11 cấp thêm  nước, nâng mức nước trong bể lên 0,9m. Ngày thứ 13 cấp thêm nước, nâng mức nước trong bể lên 1m. Ngày thứ 14 trở đi, hàng ngày tiến hành si phông đáy và thay 50% nước trong bể. Từ ngày nuôi thứ nhất đến ngày thứ 5, cấp tảo Nanochloropsis ocunata hoặc Chlorellasp vào bể ương đạt mật độ 50-100 vạn/ml; vớt váng ở tầng mặt bể ương 2 lần một ngày. Thức ăn ban đầu của cá là luân trùng. Trước khi đưa luân trùng vào bể ương,luân trùng phải được giàu hoá bởi tảo Nanochloropsis ocunata hay Chlorella sp nhằm  nâng cao chất lượng thức ăn, tăng tỷ lệ sống cá nuôi. Mỗi ngày cho cá ăn 2 lần, duy trì mật độ luân trùng trong bể ương từ 6 – 8 con/ml. Đến ngày nuôi thứ 14, ngoài luân trùng, cho cá ăn thêm Nauplius Artemia; và Copepodda đảm bảo có từ 10-15 con/ml nước trong bể ương. Ngày thứ 20 trở đi ngoài cho cá ănArtemia và Copepodda giảm còn 5-7 con/ml thì cho cá ăn thức ăn hỗn hợp là thịt cá băm nhỏ hợp với cỡ miệng khẩu phần ăn từ 0,8- 1,2 kg cá/1 vạn cá con.

Đến thời kỳ này cũng có thể tập cho cá ăn thức ăn hỗn hợp chế biến ở dạng viên nhỏ, kích cỡ thức ăn hỗn hợp bắt đầu từ số 0 (cỡ 250mm) tăng dâng lên số 1 (cỡ 400 mm), khi cho ăn phải quan sát theo dõi cá ăn, để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Sau 5 ngày nuôi tiến hành xi-phông đáy 1 lần/ ngày vào lúc 8 giờ để loại bỏ chất thải và xác chết ra ngoài bể ương. Chú ý, quá trình xi-phông đáy không hút lẫn cá con và duy trì các yếu tố môi trường nuôi cá. 

 

Các phương pháp phòng trị bệnh cá chim vây vàng

Cá chim vây vàng (Trachinotus blochii) thích hợp cho nuôi lồng biển và ao đầm nước mặn, lợ. Trong quá trình nuôi đã xuất hiện nhiều loại bệnh, làm chết cá từ rải rác đến hàng loạt. Do vậy, người nuôi cần cập nhật các thông tin về bệnh để phòng trị kịp thời.

Do vi khuẩn

Bệnh do vi khuẩn Vibrio sp và  Vibrio anguillarum gây ra. Cá nhiễm bệnh thường bỏ ăn, chết rải rác, bụng trương to, thức ăn không tiêu. Cá hoạt động kém, bơi chậm chạp, màu sắc cá chuyển từ sáng nâu sang xám đen. Bệnh xuất hiện nhiều ở cá giống và giai đoạn nuôi cá thương phẩm mật độ cao, khi nước bị nhiễm bẩn.

Biện pháp phòng trị: Nước nuôi luôn phải sạch, không ô nhiễm. Thức ăn cho cá nên bổ sung thêm Vitamin C để tăng sức đề kháng. Khi phát hiện cá bị bệnh cần thay nước liên tục trong 3 ngày, mỗi ngày thay 50% lượng nước và trộn thuốc kháng sinh Tetracycline vào thức ăn, liều lượng  3 – 5 g/kg thức ăn/ngày. Cho ăn 5 ngày liên tục, mỗi ngày cho ăn một lần vào buổi sáng.

Bệnh đốm trắng nội tạng trên cá chim vây vàng vừa được phát hiện bởi Khoa Nuôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Nocardia sp. Cá nhiễm bệnh thường bỏ ăn, cơ thể xuất hiện nhiều nốt phồng rộp nhỏ dưới da, sau đó, vỡ tạo nên các điểm thương tổn nhỏ màu nâu. Mang cá xuất hiện nhiều dịch nhầy cùng các vùng thương tổn và các hạt nhỏ màu trắng đục. Phía trên xương sống xuất hiện một số khối u làm xương sống bị vẹo gây dị dạng cho cá. Quan sát trong ổ bụng cá thấy các hạt trắng nhỏ xuất hiện ở thận, lá lách và gan. Bệnh thường gặp trên cá ở giai đoạn đầu thả nuôi (cỡ 6 – 10 cm), xuất hiện ở thời điểm bắt đầu mùa mưa (tháng 7 – 8) tỷ lệ cá chết lên đến 50%.

Biện pháp phòng trị: Thả cá mật độ vừa phải (nuôi ao 1 – 2 con/m2, lồng 3 – 5 con/m3). Đối với cá nuôi ao, cần cải tạo ao kỹ và xử lý nước trước khi thả cá. Duy trì độ mặn > 10‰ trong quá trình nuôi. Thay nước và bón vôi định kỳ hàng tháng, liều lượng 2 kg/100 m3 nước. Cung cấp đủ lượng thức ăn tránh dư thừa. Cá nuôi lồng bè cần định kỳ 3 tháng/lần di chuyển lồng bè đến chỗ mới, vệ sinh lồng hàng ngày và bổ sung thêm vitamin, men vi sinh vào thức ăn để tăng sức đề kháng và giúp cá tiêu hóa tốt. Khi phát hiện cá bị bệnh nên giảm 50% lượng thức ăn, thay nước 30 – 50% nước ao hàng ngày và san bớt cá (cá nuôi lồng). Dùng kháng sinh Clindamycin (thuốc thú y) với liều lượng 4 – 5 g/kg cá, cho ăn liên tục 5 – 7 ngày.

Do ký sinh trùng

Trùng Cryptocaryon

Trùng Cryptocaryon rất nguy hiểm vì khi chúng ký sinh có thể gây chết hàng loạt cá nuôi. Trùng hình quả lê, kích thước 0,5 mm, thường ký sinh  bề mặt thân và mắt cá. Khi cá nhiễm bệnh, trên da và mang xuất hiện các chấm trắng nhầy, cá ngứa ngáy, hay cọ mình vào các vật cứng khi bơi. Bệnh thường xuất hiện khi nhiệt độ nước hạ thấp. Phòng, trị bệnh: Nuôi cá đúng thời vụ, đảm bảo độ sâu nước ao từ 1,2 m trở lên, cá nuôi lồng sâu 3 – 4 m để ổn định nhiệt độ nước. Dùng phèn xanh (CuSO4) để tắm cho cá với nồng độ 0,5 ppm trong nước ngọt 5 – 10 phút, sục khí mạnh hoặc sử dụng formol 100 ppm kết hợp với nước ngọt để tắm cho cá trong thời gian 5 – 10 phút.  

Trùng bánh xe Trichodina

Trùng bánh xe dạng hình tròn, kích thước 100 mm (đường kính thân), thường ký sinh trên mang, vây và bề mặt thân cá. Cá nhiễm bệnh, cơ thể yếu, mang có màu nhợt nhạt, hay nhao mình lên mặt nước, cọ mình vào vật cứng, xuất hiện nhiều niêm dịch trên mang và bề mặt thân. Khi ký sinh vào cá, trùng sẽ vận động quanh mang, phá hủy mô của cá, sinh ra nhiều dịch nhầy bám trên mang gây ngạt thở cá. Điều trị: tắm cá với dung dịch formol 200 ppm với thời gian 30 – 60 phút, sục khí mạnh.

Trùng miệng lệch Brooklynella

Trùng có hình quả thận, kích thước 60 mm, trên thân có những hàng lông tơ mọc song song. Trùng thường ký sinh trên mang, bề mặt thân cá. Khi bị nhiễm bệnh cá ngứa ngáy khó chịu, bơi không định hướng. Trên da và mang bị tổn thương nhiều và bị nhiễm trùng, khi bệnh nặng cá bị chết nhiều.

Điều trị: Tắm cá với dung dịch formol nồng độ 200 ppm thời gian 30 – 60 phút, sục khí mạnh hoặc tắm formol 30 ppm trong 1 – 2 ngày, sục khí mạnh.

Trùng quả dưa Ichthyopthirius multifiliis

Trùng có hình dạng giống quả dưa, đường kính cơ thể 0,5 – 1 mm, ký sinh ở da, mang, đầu và vây cá, chúng hút chất dinh dưỡng cá, đồng thời kích thích cơ thể cá tạo ra đốm mủ trắng quanh vị trí bám. Trùng bám nhiều ở mang nên làm suy giảm chức năng hô hấp gây ngạt thở cá. Cá bị bệnh nặng sẽ bơi lội chậm chạp, lờ đờ. Khi yếu chúng chỉ ngoi đầu lên mặt nước để thở, đuôi bất động, chìm dần xuống đáy và chết.

Điều trị: Quản lý tốt chất lượng nước nuôi, khi cá bị bệnh có thể bắt cá lên tắm formol với nồng độ 50 ppm trong thời gian 10 phút, hoặc phun xuống ao với liều lượng 7 –  8 ppm trong liên tục trong 3 ngày (cách ngày phun ngày).

 

Bệnh rận cá

Rận cá thường có màu sắc giống màu da cá, khi bám vào cá chúng cào rách lớp da và mang gây viêm loét và dùng tuyến độc qua ống miệng để tiết chất độc gây hại cá. Khi bị rận ký sinh, cá gầy yếu và lở loét trên thân, cá bị nhiễm nặng sẽ chết hàng loạt.

Điều trị: dùng nước ngọt tắm cho cá 2 – 3 ngày, mỗi ngày 15 phút.

Cá chim vây vàng có giá trị dinh dưỡng cao, được tiêu thụ nhiều trên thị trường. Cá có tốc độ sinh trưởng nhanh, đặc biệt trong 3 năm đầu, nên rất thích hợp cho nuôi tăng sản và được xem là loài nuôi phù hợp trong các ao nuôi tôm bị dịch bệnh.

 

 

Zalo
Hotline tư vấn miễn phí: 0985 223 789